Cần khơi dậy mạnh mẽ văn hóa đọc trong giới trẻ

  • 23/04/2023
  • 65
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

    Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là “Văn hóa đọc”. Là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Tuy nhiên, văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin - với sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện. Văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức.

    Không phải đến thời điểm này, Văn hóa đọc mới bước vào giai đoạn cam go mạnh mẽ bởi các nền tảng số, trong đó phổ biến là mạng xã hội và các thiết bị điện tử, nghe nhìn. Từ cuối thế kỷ XX, xu hướng trên bình diện rộng đã bắt đầu suy giảm, nhiều người đã không duy trì thói quen đọc sách giấy, phải chăng chúng ta đã dần đánh mất văn hóa đọc truyền thống trong thời gian qua. Một thực trạng đáng báo động, đó là việc các bạn trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào các phương tiện công nghệ khi sử dụng chưa đủ phù hợp.

    Từ thực tế đó, để đáp ứng được nhu cầu đọc theo tiến trình phát triển của xã hội hiện nay, Thư viện tỉnh Cà Mau luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ bạn đọc với nhiều hình thức phong phú từ truyền thống đến hiện đại, phù hợp theo đối tượng nhu cầu người đọc. Có thể nói, văn hóa đọc không mất đi mà chỉ chuyển đổi cách thức tiếp cận từ nhu cầu của người đọc.  

    Nhu cầu đọc sách giấy vẫn được duy trì, là thói quen của người đọc lớn tuổi, các đối tượng nghiên cứu và thói quen ấy rất cần được hình thành cho các bạn trẻ khi kết hợp với môi trường đọc mới từ những chiếc điện thoại thông minh qua các phần mềm thư viện số.  


Ảnh cài đặt APP đọc sách trên điện thoại thông minh


Ảnh bạn đọc tra cứu tài liệu trên phần mềm của thư viện

    Thời gian qua, nước ta đã ban hành chủ trương nhằm phát triển và lan tỏa văn hóa đọc, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách và nâng cao tầm nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách. Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được gắn với thông điệp “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”.

    Hướng tới ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2023, cùng với nhiều hoạt động thú vị tôn vinh Sách và Văn hóa đọc, Thư viện tỉnh Cà Mau đã thực hiện hàng loạt những “Chuyến xe tri thức” đến các điểm trường thuộc những xã vùng xa trên nhiều xã, thị trấn trong toàn tỉnh; cho ra mắt Phòng Đọc sách tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Học tập cộng đồng xã; tổ chức Hội thi “Thanh nhiên với Văn hóa đọc”; Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (22/4/2023), Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách,…


Chuyến xe "Ánh sáng tri thức" đến với học sinh trường Tiểu học Vương Nhị Chi xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.


Hội thi Thanh niên với Văn hóa đọc năm 2023

Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023)

    Ngày Hội sách và Văn hóa đọc đang diễn ra trên cả nước, ngày hội trao đổi sách hi vọng sẽ là những liệu pháp hiệu quả giúp giới trẻ quan tâm nhiều hơn nữa đến sách và văn hóa đọc. Ðã đến lúc cần khơi dậy mạnh mẽ cho người đọc nói chung và bạn đọc trẻ việc đọc sách giúp nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức vì “Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của loài người” (G.V.Leibniz)

    Mục đích nhằm giới thiệu đến giáo viên, học sinh, cán bộ và nhân dân những quyển sách hay, cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành xã hội thông qua sách báo. Qua đó tăng cường việc phục vụ sách đến tận tay bạn đọc, góp phần xây dựng “Văn hóa đọc” trong cộng đồng; Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ý thức tổ chức, tinh thần tập thể, khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen, tinh thần ham đọc sách ở nhiều thế hệ trong tương lai, tạo điều kiện cho các em có được sân chơi bổ ích, lý thú khơi dậy tài năng và phát triển trí tuệ.

    Hy vọng rằng, ở mỗi người chúng ta sẽ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đọc sách, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ để phát triển Văn hóa đọc./.

Bài viết: Phan Kiều Khôn

Thư viện tỉnh Cà Mau

  • Phan Kiều Khôn