Giới thiệu sách: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước
- 25/05/2023
- 50
Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến vào giai đoạn quyết liệt, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946-19/12/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2023), Thư viện tỉnh Cà Mau trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước" của tác giả Lê Quang Thiệu do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2008, sách gồm 405 trang, khổ 14,5 x 20,5cm.
Quyển sách “Chủ
tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước” do Nhà xuất
bản Chính trị Quốc gia phát hành là lời động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân trong bất kỳ hoàn cảnh nào hãy hăng hái thi đua để góp phần xây dựng
Tổ quốc.
Quyển sách gồm 3 phần
Phần thứ nhất: Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua
yêu nước;
Phần thứ hai: Một số bài
viết chọn lọc về phong trào Thi đua yêu nước;
Phần thứ ba: Một số văn kiện của Đảng về Thi đua yêu nước.
Mở đầu cuốn sách là đoạn
trích Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngày
11-6-1948. Lời kêu gọi rất ngắn gọn nhưng đầy đủ, khích lệ, hiệu triệu tất cả
các tầng lớp nhân dân từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, từ sỹ, nông, công, binh
hãy cùng thi đua vì mục tiêu: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại
xâm. Trong đó, Bác thể hiện niềm tin tất thắng: “Với tinh thần quật
cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết
của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định
thắng lợi”.
Tiếp theo là những lá thư,
bài viết của Bác Hồ về thi đua yêu nước. Bác luôn quan tâm, động viên đồng bào,
chiến sỹ hăng say thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Nơi
nào làm tốt Bác có thư khen, khích lệ; nơi nào làm chưa tốt bác chỉ rõ hạn chế
và động viên cố gắng thi đua cho tốt. Sự quan tâm đặc biệt của Bác đến phong
trào Thi đua yêu nước đã giúp mỗi người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc thi
đua và tích cực tham gia phong trào.
Cụ thể hóa Lời kêu gọi thi
đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có nhiều
văn bản để đẩy mạnh hơn nữa phong trào Thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân
dân. Đó là: Chỉ thị của Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc
năm 1948; Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương về sửa chữa những khuyết điểm
trong việc lãnh đạo thi đua ái quốc tháng 10-1948; Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày
22-12-2007 của Ban Bí thư về kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời
kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008)...
Và đến nay, đã qua nhiều
năm Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vẫn
đang nỗ lực thực hiện lời dạy của Người tích cực thi đua để xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, thi đua yêu nước thực sự đã trở
thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn cả một dân tộc, ở mọi lứa
tuổi, mọi ngành, mọi lĩnh vực tham gia, đã góp phần không nhỏ làm nên chiến
thắng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
Qua quyển sách này, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng thi đua
yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là sự vận dụng sáng tạo quy luật tiến
hóa của xã hội loài người và tâm lý tiến bộ của con người vào thực tiễn Việt
Nam, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, anh dũng chống
giặc ngoại xâm, tinh thần xây dựng đất nước của nhân dân ta có từ hàng ngàn
năm. Phong trào thi đua yêu nước do Người phát động vẫn luôn là ngọn nguồn khơi
dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân,
góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện tỉnh Cà Mau, trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Bài viết: Nguyễn Hằng Ni
Thư viện tỉnh Cà Mau
- Nguyễn Hằng Ni