Phát huy vai trò của hệ thống thư viện công cộng

  • 03/03/2021
  • 77
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

    Hiện nay, chúng ta có một hệ thống thư viện công cộng phát triển rộng khắp cả nước. Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Việt Nam, tính đến hết năm 2020, ngoài thư viện của 63 tỉnh, thành phố chúng ta có 582 thư viện cấp quận, huyện, hơn 6.000 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản...

    Bên cạnh đó là 10.000 tủ sách pháp luật và 8.000 điểm bưu điện - văn hóa xã, phường gắn kết mật thiết với hệ thống thư viện tại các địa phương. Những con số ấn tượng này cho thấy nếu biết phát huy hiệu quả chức năng, vai trò của thư viện công cộng thì sẽ mang lại những lợi ích hết sức to lớn trong đời sống cộng đồng. Không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa đọc, khơi nguồn tri thức, nâng cao dân trí mà nơi đây còn góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa, xã hội của đất nước cũng như các địa phương.

    Nắm bắt được tầm quan trọng của hệ thống thư viện, những năm qua tại một số tỉnh, thành phố, công tác thư viện được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Thay vì quan niệm thư viện chỉ dành cho những ai muốn đến tìm đọc sách báo, tra cứu tư liệu,... thì nay cách thức hoạt động của thư viện đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh các phòng đọc sách thông minh, hỗ trợ các thiết bị điện tử, nhiều thư viện chú trọng tổ chức các hoạt động hướng đến cộng đồng, thu hút nhiều đối tượng độc giả cùng tham gia như: hội sách, tọa đàm, giao lưu theo chủ đề, tổ chức các cuộc thi đọc sách,... Nhiều cách làm sáng tạo tại một số địa phương đã giúp các thư viện thật sự là điểm hẹn văn hóa hấp dẫn và bổ ích với cộng đồng, nhất là giới trẻ. Thí dụ tại Bắc Ninh, thư viện tỉnh đã chủ động kết hợp Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên mục "Giới thiệu sách", tổ chức mục "Ðọc sách cùng tôi" trên website, fanpage của mình, chủ động phối hợp các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách. Tại Quảng Ninh, nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ số, thư viện tỉnh đã thực hiện số hóa 100.000 trang tài liệu địa chí về Quảng Ninh, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu, đáp ứng kịp thời nhu cầu đọc sách ngày càng đa dạng của độc giả.

    Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tại một số thư viện công cộng vẫn còn tình trạng hoạt động cầm chừng, hoặc cho có, các đầu sách chậm được cập nhật, thiếu những hoạt động thu hút người đọc tìm đến. Thậm chí có nơi phải đóng cửa vì không có người ghé thăm... Thực trạng này đòi hỏi cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời, trong đó chính các thư viện cũng cần phát huy tính chủ động, đổi mới, sáng tạo. Ðối với những nơi hoạt động kém hiệu quả cần được rà soát, đánh giá nghiêm túc để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh hợp lý.

    Mới đây, ngày 21-1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 266/BVHTTDL-TV chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2021 trong hệ thống thư viện công cộng. Ðồng thời Bộ cũng yêu cầu: Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, các thư viện công cộng chủ trì và phối hợp với cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm sách, báo, tư liệu, thi tìm hiểu, tuyên truyền giới thiệu sách, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, biên soạn các ấn phẩm thông tin chuyên đề, thư mục chuyên đề, tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, đường sách, phố sách, phục vụ lưu động... Các hoạt động phải được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, phù hợp với quy mô và tính chất của sự kiện.

    Mong rằng, cùng với văn bản chỉ đạo, định hướng cho công tác thư viện trong năm 2021, thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng tại từng địa phương, sự nỗ lực của các đơn vị liên quan sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.

THÀNH NAM

Nguồn https://nhandan.com.vn/


Bùi Như Ý ST