Giới thiệu sách: Gương sáng phụ nữ giữ gìn văn hóa Việt
- 18/10/2024
- 43
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có
những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất
nước. Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà
Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng
chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các
chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy
sinh, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc
văn hóa, truyền thống dân tộc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc
xây dựng và phát triển đất nước. Bởi, chỉ có gìn giữ được những tinh hoa, những
nét văn hóa riêng của dân tộc được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử thì mới
làm nên “hồn cốt”của một Dân tộc. Trong đó, phần quan trọng và có ảnh hưởng mạnh
mẽ nhất đến đặc điểm văn hóa dân tộc là vai trò của người phụ nữ Việt Nam.
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024). Nhằm tôn vinh và lưu giữ những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Thư viện tỉnh Cà Mau xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Gương sáng phụ nữ giữ gìn văn hóa Việt” của nhiều tác giả, nhà xuất bản Phụ nữ phát hành năm 2014, sách dày 407 trang, khổ 14,5 x 20,5cm. Nội dung cuốn sách tập hợp các bài viết về những tấm gương phụ nữ tiêu biểu như người mẹ, người vợ của bản thân các tác giả. Mỗi bài viết là một câu chuyện thật, tóm tắt về cuộc đời của người phụ nữ mà họ yêu thương, trân trọng và họ cũng là tấm gương đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, họ là những người phụ nữ đảm đang, sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, son sắc và giàu đức hy sinh, hết lòng vì gia đình, vì đất nước trong những năm tháng khó khăn bom rơi đạn lạc.
Các bài viết trong cuốn sách đều nói về nhân vật thật, tuy ở
mỗi giai đoạn, nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều được khắc họa đậm
nét khiến ta không khỏi xúc động và ngưỡng mộ bởi đức hy sinh, sự cần lao và
tài năng của những người vợ, người mẹ. Như câu chuyện
của một người mẹ tần tảo trong bài viết “Mạ tôi” ở trang 5, của tác
giả Phan Thị Mỹ Khanh, tác giả đã viết về người mẹ của mình bằng một niềm biết
ơn sâu sắc với những công lao trời bể của mẹ đã nuôi nấng con cái trong suốt những
năm tháng vô cùng vất vả khi cha “Thầy” của mình làm báo xa nhà, nhưng về cuối
đời bà lại phải chịu thiệt thòi và bị rơi vào quên lãng, một người mẹ suốt đời
chỉ nghĩ cho chồng, cho con và luôn đặt bản thân mình là thứ yếu, sống nhân hậu,
nhường nhịn bao dung với tất cả mọi người ngay cả với người vợ lẽ của chồng
nhưng bà chưa một lần than vãn hay kể khổ, bà luôn chăm lo, vun vén mọi thứ
trong gia đình một cách chu đáo, thương yêu bằng cả tấm lòng. Hay câu chuyện,
Mẹ Trần Thị Như Mân ở trang 343, là vợ của Giáo sư Đào Duy Anh một người phụ nữ
nhỏ bé, con nhà quan lại cao cấp nhưng ẩn sâu trong đó lại là một nghị lực phi
thường làm đủ mọi nghề nghiệp từ chân tay đến trí óc, việc nào cũng hoàn thành
một cách xuất sắc, không chỉ là người vợ biết chia sẻ cay đắng, ngọt bùi giúp
chống làm nên những công trình vĩ đại, bà Trần Thị Như Mân còn đóng góp cho
phòng trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuốn
sách còn giới thiệu nhiều gương người phụ nữ điển hình khác như: Dì Huệ - Mẹ
tôi, câu chuyện của tác giả Phan An Sa; bà Nguyễn Thị Nhân Lý và bà Nguyễn Thị
Mão trong câu chuyện hai bà mẹ của tác giả Phan Kế An,…với cách viết theo lối kể chuyện, giọng văn trong sáng, gần
gũi và tình cảm chân thật từ đáy lòng mình, các tác giả đã vẽ lên hình ảnh người
phụ nữ Việt Nam tuyệt đẹp trong lòng bạn đọc.
Cuốn sách sách “Gương sáng phụ nữ giữ gìn văn hóa Việt”
sẽ giúp bạn đọc biết đến nhiều hơn nữa về nhưng tấm gương phụ nữ Việt đức
hạnh, giỏi giang, vì gia đình, vì xã hội và góp phần gìn giữ những giá trị nền
tảng và cốt lõi của văn hóa dân tộc. Mỗi tấm gương phụ
nữ sẽ là một biểu tượng đáng tự hào để cho thế hệ phụ nữ hôm nay và mai sau học
tập, gìn giữ và phát huy những nét đẹp của văn hóa Việt.
Sách đang được phục vụ tại phòng mượn
sách Thư viện tỉnh Cà Mau. Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Bài viết: Hằng Ni
Thư viện tỉnh Cà Mau
- Nguyễn Hằng Ni