Giới thiệu sách “Phác họa lịch sử từ Hùng Vương đến Thục Phán – An Dương Vương”.

  • 08/04/2024
  • 64
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

    “Dù ai đi ngược về xuôi

     Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”

    Câu ca dao ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc – cháu Hồng”.

    Khởi đầu từ cội nguồn sâu xa ấy, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên một nền văn hiến rực rỡ, một bản lĩnh kiên cường, được trải nghiệm qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Mỗi người Việt Nam luôn tự hào là con Lạc, cháu Hồng, tự hào về non sông, gấm vóc mà các Vua Hùng đã xây dựng nên. Nhân kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm 2024, Thư viện tỉnh Cà Mau trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Phác họa lịch sử từ Hùng Vương đến Thục Phán – An Dương Vương” do Phạm Đức Quý biên soạn, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2006, sách dày 272 trang, khổ 13x19cm. Quyển sách được chia làm III chương.

    Chương I:  Cái nôi của Dân tộc Việt Nam: nội dung của chương này dẫn bạn đọc quay ngược thời gian về với lịch sử kiên cường, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc để bảo vệ bản sắc của Dân tộc mình tránh bị đồng hóa; hay sự thông minh sáng tạo trong lao động, cũng như nền tảng các nền văn hóa tiền sử kết nối cho việc hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên có niên đại 3.000 năm trước công nguyên, rồi dần chuyển sang Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn – đỉnh cao văn hóa với biểu tượng trống đồng, pho sử liệu tích hợp về hoạt động sản xuất nông nghiệp lúa nước, nghệ thuật, giao thông, tư tưởng triết học vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt cổ; tất cả đã được hội tụ trong nền văn minh sông Hồng ngày nay.

    Chương II: Các Hùng Vương dựng nước:  sẽ giới thiệu về 18 đời vua ngồi trên ngôi trị vì đất nước như: Lạc Long Quân, Hùng Hiền Vương, Hùng Quốc Vương, Hùng Hoa Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Hồn Vương, Hùng Chiêu Vương, Hùng Vỷ Vương, Hùng Định Vương, Hùng Uy Vương, Hùng Trinh Vương, Hùng Vũ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Anh Vương, Hùng Triều Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nghị Vương và Hùng Duệ Vương. Các Vua Hùng có công gắn kết các bộ tộc là những người Việt cổ tạo thành sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt; và trong khoảng thời gian hơn hai nghìn năm trước công nguyên, một dân tộc được tôi luyện với tinh thần đoàn kết cao, chịu đựng gian khó, cần cù lao động, thông minh sáng tạo đã dựng nên một nền văn minh trống đồng rực rỡ truyền lại một di sản vĩ đại cho thế hệ hôm nay.

    Chương III: Thục Phán – An Dương Vương: nội dung mở đầu của chương này đề cập đến giai đoạn chuyển giao quyền lực thời Hùng Vương ở triều đại cuối cùng sang Thục Phán, đồng nghĩa một nhà nước mới ra đời với nhiệm vụ kế thừa sự nghiệp giữ nước và dựng nước của các Vua Hùng để lại. Mới lên nắm quyền đất nước, Thục Phán đối mặt với nhiệm vụ rất nặng nề là chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc (nhà Tần). Thục Phán phải chuẩn bị mọi mặt cho quân dân Âu Lạc bảo vệ giang sơn của mình; việc đầu tiên là chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân để bước vào cuộc chiến lâu dài, trong đó nên kể đến việc đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc.

    Việc đổi tên nước thể hiện tài năng, tầm nhìn chiến lược, thông qua yếu tố Thục Phán xây dựng truyền thuyết về người Âu Việt hóa thân thành Lạc Long Quân và người Lạc Việt hóa thân thành Âu Cơ nhằm kết nối sức mạnh của người miền ngược với người miền xuôi trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau khi tập hợp được sức mạnh, Thục Phán tiếp tục chuẩn bị các khâu từ lực lượng chiến đấu, hậu cần, chiến trường, cho đến phương châm và phương án chiến đấu. Cuối cùng, với trí tuệ cùng tài thao lược của mình mà 50 vạn quân Tần hùng hậu phải chịu thất bại thảm hại, mở đầu cho trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của Dân tộc ta, với tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh từ nhân dân, khởi đầu cho nghệ thuật “Chiến tranh toàn dân” về sau.

    Khi đọc qua nội dung của quyển sách, quý bạn đọc sẽ thấy rõ tính cần cù, thông minh sáng tạo trong các hoạt động, đặc biệt là tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, chung sức một lòng vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm của Dân tộc ta đã được khẳng định từ thời đại Hùng Vương, với nhà nước Văn Lang đầu tiên.

    Những giá trị truyền thống quý báu đó đã được thể hiện qua câu nói của Bác Hồ với toàn dân tộc ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây cũng chính là thông điệp mà nội dung quyển sách muốn gửi đến quý bạn đọc.

    Quyển sách “Phác họa lịch sử từ Hùng Vương đến Thục Phán – An Dương Vương” đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Cà Mau. Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Bài và ảnh: Nguyễn Hằng Ni

Thư viện tỉnh Cà Mau

  • Nguyễn Hằng Ni